Tất cã những bài bản dưới đây chng tôi đã nhận được qua email hoặc tìm thấy trên Internet, vì muốn sưu tầ̀m để̉ học hỏi và ṭ̣ự giúp mình và người mà thôi. Nếu có những bài nào không có tên của tác giả vì khi chúng tôi nhận qua email nó đã không có kèm theo.


Sen vàng

Thanh Nhã
Trung tâm Văn hóa Phật giáo Liễu Quán


Cứ hai ngày cô gái lại đến, mang theo một chục hoa Sen. Cô lặng lẽ quét dọn những cánh hoa rụng vương vải trên bàn thờ, dưới đất mà tôi chưa kịp dọn. Cô loay hoay súc bình rồi cắm hoa mới.

Có khi là những đoá hoa sen trắng muốt, có khi là chục hoa sen hồng. Sau này tôi mới biết những đoá hoa sen mà cô mang đến là loại sen được trồng từ các hồ ở Đại Nội, màu sắc và mùi hương rất nhẹ nhàng, khác với loại sen “Cao sản “, một giống sen mới, người ta trồng để lấy hạt nhiều hơn là chơi hoa, chúng trồng được dễ dàng và rộng khắp, có thể sống được ở các hồ gần bờ ruộng, bên cạnh những cây lúa. Hiện nay loài Sen này đang được trồng nhiều ở các vùng ngoại ô thành phố Huế, huyện Quảng Điền, Phong Điền. Màu trắng của loại sen này ngã về màu xanh của lá, còn màu hồng thì ngã về tím. Dáng, màu đều nặng nề. Hai loại hoa như hai cô gái, một ở kinh thành, quý phái và đài các, một ở nông thôn, khoẻ mạnh và chân chất. Cô lặng lẽ thắp hương và cũng lặng lẽ rút khỏi nhà tôi trước giờ vào sở làm. Buổi sáng chủ nhật, tôi mời cô nán lại uống trà, cô từ chối với lời hẹn.

- Dạ để hôm khác, hôm nay em đang bận. Cứ thế, cô đến và đi, tựa như người thiếu nữ trong Bích Câu kỳ ngộ, hiện ra từ bức tranh, rồi vội vàng chui vào bức tranh, khi đã nấu nướng và dọn sẵn một mâm cơm ngon lành.

Mẹ tôi mất đột ngột bởi một cơn nhồi máu cơ tim. Một bất ngờ, không chỉ đối với tôi, mà còn với rất nhiều người vì Mẹ tôi vẫn còn trẻ, khoẻ và đẹp. Gần 10 năm nay tôi không sống cạnh Mẹ. Vào học Đại học ở thành phố Hồ Chí Minh, ra trường, có cơ hội làm việc ở thành phố lớn, đó là một may mắn với tôi, là niềm vui với Mẹ. Mẹ tôi sống một mình, trong ngôi nhà cũ, Ba tôi mất từ khi tôi còn nhỏ. Đôi khi ở xa, tôi cũng ray rứt nhớ về Mẹ và niềm quạnh quẽ mà mẹ đang chịu đựng. Tôi cảm thấy không an lòng, nhưng mỗi khi tôi điện thoại, bày tỏ ý nghĩ này thì Mẹ bảo: “Con yên tâm, Mẹ vẫn khoẻ và vui, khi nào rảnh thì về thăm Mẹ, chỉ cần một tiếng đồng hồ bay, con có thể nhìn thấy Mẹ rồi”. Mẹ còn cười cười nói thêm: “chuyện nhỏ mà”… Vậy mà cái “chuyện nhỏ” với Mẹ, lại trở thành quá lớn đối với tôi. “Mẹ khoẻ và vui “Tôi biết Mẹ trấn an tôi, như tôi tự trấn an mình. Giờ đây, có bay cả ngàn giờ bay, tôi cũng không bao giờ còn gặp được Mẹ nữa. Tôi nghẹn ngào với ý nghĩ đó.

Cô gái xuất hiện vài ngày sau khi Mẹ tôi nằm trong lòng đất. Cô đến một mình, trong bộ đồ dài đen và chục hoa sen trắng trên tay. Mái tóc dài, nét mặt thanh tú. Trông cô giống những bức tranh “Thiếu nữ “của các hoạ sĩ thập niên 70. Cô đứng ở cổng, nhìn vào nhà, ngơ ngác như một đứa bé đang lạc mất người thân yêu giữa phố chợ đông người. Cô xin phép được cắm những đoá sen lên bàn thờ Mẹ tôi. Cô nói Mẹ tôi rất thích hoa sen, nhất là loại hoa sen thuần giống này. Cô nghĩ, nó cũng trong sáng và nhân hậu như tâm hồn Mẹ. Cô còn nói rằng Mẹ tôi cũng thường ao ước có được một giống sen màu vàng. Đó là sự kết hợp của hai thứ Mẹ tôi yêu thích, loại hoa và màu hoa. Có thể đó sẽ là những hoa sen tuyệt đẹp. Những lời của cô gái xoáy vào tim tôi, nhói đau. Lâu nay tôi quá ít quan tâm đến những gì Mẹ yêu thích, chẳng biết Mẹ đã làm những gì, cho ai. Tôi cứ nghĩ Mẹ tôi đang sống một cuộc sống thanh thản, bình thường như những người phụ nữ khác ở tuổi về hưu, nghỉ ngơi, đọc sách, đi mua sắm, thăm bạn bè, chăm sóc vườn tược. v v…Qua cô, tôi mới biết Mẹ tôi đã làm nhiều hơn thế. Mẹ đã thầm lặng giúp nhiều người khó nghèo từ những đồng tiền dành dụm của mình và quyên góp bạn bè. Cô cũng nói rằng Mẹ vừa mới khoe với cô là đã xoay sở đủ tiền để có thể mở một trung tâm dạy thêm cho các em học sinh khu vực X, quá xa nếu các em phải về thành phố để học và cũng không thể có đủ tiền để đi học thêm. Mẹ đã quan tâm nhiều người, nhiều thứ không liên quan đến bản thân mình. Còn tôi? Tôi cứ mãi quẩn quanh theo những vòng tròn bận bịu mà tôi gọi đó là “sự nghiệp”, không hề biết rằng có những thứ khác còn quan trọng và ý nghĩa hơn gấp nghìn lần. Tôi thật quá vô tâm.

Cô thắp hương cho Mẹ tôi và cho biết là cô vừa đi Trung Quốc về nên không đến dự đám tang của Mẹ tôi được. Buổi tối, trước khi đi, cô có ghé thăm Mẹ tôi và nghe bà nói bà hơi mệt tim. Cô đề nghị đưa bà đến bác sĩ nhưng bà cười bảo: “Không sao”. Cô hẹn là lúc đi công tác về sẽ đưa bà đến khoa tim mạch, nhờ một bác sĩ quen ở đó chụp kiểm tra động mạch vành cho Mẹ tôi, nhưng cô đã không kịp làm điều này và sẽ không bao giờ làm được nữa... Cô bật khóc nức nở. Những ngày sau đó, khi gom đồ đạc của Mẹ tôi, tôi ngồi vào bàn làm việc của Mẹ và mở chiếc máy vi tính. Đây là một đoạn thư tôi tìm thấy trong Inbox của Mẹ.

“Cô yêu quý!

Hôm qua con đọc được tập truyện “Cửa sổ tâm hồn”, trong đó có câu chuyện về hai cái biển hồ. Tự dưng con nghĩ đến cô. Con biết chắc là cô đã đọc truyện này rồi, nhưng con vẫn muốn cô đọc lại một chút cùng con. Hay là để con đọc cho cô nghe cô hí!

“Người ta bảo ở bên Palestine có hai biển hồ... Biển hồ thứ nhất gọi là Biển Chết. Đúng như tên gọi của nó, không có sự sống nào bên trong cũng như xung quanh biển hồ này. Không có một loại cá nào có thể sống nổi trong dòng nước đó, cũng không ai muốn sống gần đó. Nếu uống phải dòng nước này, người và cả súc vật nữa, sẽ mắc bệnh, và chết. Biển hồ thứ hai có tên là Galilée. Đây là biển hồ thu hút nhiều khách du lịch nhất. Nước ở biển hồ này lúc nào cũng trong xanh mát rượi, dưới đó nhiều loài cá tung tăng bơi lội, tôm cua tha hồ vùng vẫy, nhiều loài san hô xinh đẹp, quyến rũ lung linh dưới mặt nước trong vắt. Dòng nước ngọt lành, mát rượi mang lại cho du khách một cảm giác thư thái, dịu ngọt khi uống vào. Trên bờ, nhà cửa được xây cất rất nhiều và rất tráng lệ. Vườn cây xung quanh thì nảy nở rất tốt tươi nhờ được nguồn nước này thấm vào đất”

(Cô ơi, trong đó có cả những đoá hoa Sen mà cô yêu thích, có cả đoá Sen vàng quý hiếm cô từng mơ ước được ươm mầm nữa đó. Hi! À, con cũng nói để cô mừng, con vừa đọc một tài liệu về Sen. Ở bên Mỹ có giống Sen Vàng đó cô. Họ gọi là yellow lotus, nhưng con không biết là có giống hoa súng vàng bên mình không, có đẹp và hương có thơm bằng hoa sen của mình không? Tài liệu còn nói rằng hạt sen còn nguyên vỏ rất khó hư và có độ nẩy mầm rất cao. Họ đã thí nghiệm lấy một hạt sen còn nguyên vỏ được tìm ở Ai Cập, trong Kim Tự tháp, xây hơn hai ngàn năm qua, nay đem ra ương, vẫn mọc… Khi mô có ai ở bên Mỹ về, con sẽ xin vài hạt sen vàng, Cô cháu mình trồng thử, Cô hí! Con tin là loài hoa này sẽ nhanh chóng nảy mầm trong chiếc bể cạn nhỏ nhỏ của Cô và sẽ cho ra nhũng đoá Sen vàng tuyệt đẹp... Con tiếp tục câu chuyện về hai cái Biển hồ Cô nhé!).

“… Điều kỳ lạ là cả hai biển hồ này đếu được đón nhận nguồn nước từ sông Jordan. Nước sông Jordan chảy vào Biển Chết. Biển Chết đón nhận và giữ lại riêng cho mình mà không chia sẻ nên nước trong biển Chết trở nên mặn chát. Biển hồ Galilê cũng đón nhận nguồn nước từ sông Jordan rồi từ đó tràn qua các hồ nhỏ và sông lạch, nhờ vậy nước trong biển hồ luôn sạch và mang lại sự sống cho cây cối, muông thú và con người. Một định lý trong cuộc sống mà ai cũng đồng tình: một ánh lửa chia sẻ là một ánh lửa lan toả. Một đồng tiền kinh doanh là một đồng tiền sinh lời. Đôi môi hé mở mới thu nhận nụ cười. Bàn tay có mở rộng trao ban, tâm hồn mới tràn ngập vui sướng. Thật bất hạnh cho ai cả cuộc đời chỉ biết giữ cho riêng mình. Sự sống trong họ rồi cũng sẽ chết dần chết mòn như nước trong lòng biển Chết.”

Cô ơi, Con đọc và tự nghĩ có phải tấm lòng của Cô cũng như cái biển hồ thứ hai kia không? Chia sẻ, chia sẻ và chia sẻ... Cô luôn chia sẻ những gì mình có, một sức sống tràn trề, một lòng nhiệt huyết trong công việc, sự cảm thông và niềm yêu thương, niềm tin vào một tương lai tốt đẹp. Những lời động viên, an ủi hay những lời khuyên bảo của Cô đã mang lại cho những người sống gần gủi cô và nhất là cho con, một cô bé mà mọi cánh cửa mở vào cuộc đời tưởng đã khép lại, một niềm tự tin, một cái nhìn lạc quan hơn . Cô luôn nói: “Cuộc sống có rất nhiều thử thách và khó khăn. Để vượt qua điều này, đôi khi cũng cần đến trợ lực của người thân, bạn bè. Sự chia sẻ từ họ sẽ là một sức mạnh vô hình kéo ta lên, khiến ta cảm thấy nhẹ nhàng hơn để chấp nhận nghịch cảnh”. Và “Khi chúng ta cho điều gì, chúng ta sẽ nhận được điều đó. Nếu yêu thương người thì người cũng yêu thương ta”.

Cô yêu quý ơi, Con biết rồi, có phải món quà mà cuộc sống ban tặng cho chúng ta là biết cảm thông, chia sẻ và yêu thương nhau hơn. Sống như cái Biển Chết thì thực là vô nghĩa. Chẳng cho ai, chẳng chia sẻ với ai cái gì hay điều gì. Sống như biển hồ Galilê mới đích thực là cuộc sống. Phải vậy không Cô?”…

Đó là bức thư của cô gái thường mang hoa sen đến cho Mẹ tôi. Và tôi hiểu ra tại sao trong đám tang của Mẹ tôi, có những người không thân thích, cũng không phải là bạn bè, đã nhỏ những giọt nước mắt chân thành thương tiếc. Và tôi hiểu ra tại sao có một cô gái xa lạ vẫn thường mang đến cho Mẹ những đoá hoa mà Mẹ hằng yêu thích, vẫn nhớ về những gì Mẹ đã làm, đã nói.

Còn tôi, là người gần gũi với Mẹ nhất, là khúc ruột của Mẹ, vậy mà tôi chẳng hề biết, hiểu gì về Mẹ cả. Tôi đã nhận quá nhiều ở Mẹ mà lại quá ít san sẻ cùng Mẹ. Tôi đã sở hữu một tài sản giá trị mà không tự biết để nâng niu, quý trọng và giữ gìn.

Mẹ ơi, thì ra con cũng chỉ là một cái Biển Chết, dù đã được nhận nguồn nước mát rượi từ tâm hồn Mẹ tràn sang.

TÂM SỰ TUỔI GIÀ

Triết lý sống với tuổi già của Thủ tướng Trung quốc Chu dung Cơ.

HIỂU ĐỜI – TÂM SỰ TUỔI GIÀ

Tác giả: Chu Dung Cơ – Thanh Dũng dịch

Tháng ngày hối hả, đời người ngắn ngủi, thoáng chốc đã già. Chẳng dám nói hiểu hết mọi lẽ nhân sinh, nhưng chỉ có hiểu cuộc đời thì mới sống thanh thản, sống thoải mái.

Qua một ngày, mất một ngày .Qua một ngày, vui một ngày. Vui một ngày lãi một ngày...

Hanh phúc do mình tạo ra. Vui sướng là mục tiêu cuối cùng của đời người, niềm vui ẩn chứa trong những sự việc vụn vặt nhất trong đời sống, mình phải tự tìm lấy. Hạnh phúc và vui sướng là cảm giác và cảm nhận, điều quan trọng là ở tâm trạng.
Tiền không phải là tất cả nhưng không phải không là gì. Đừng có coi trọng đồng tiền, càng không nên quá so đo, nếu hiểu ra thì sẽ thấy nó là thứ ngoại thân, khi ra đời chẳng ai mang nó đến, khi chết chẳng ai mang nó theo. Nếu có người cần bạn giúp, rộng lòng mở hầu bao, đó là một niềm vui lớn. Nếu dùng tiền mua được sức khoẻ và niềm vui thì tại sao không bỏ tiền ra mà mua? Nếu dùng tiền mà mua được sự an nhàn tự tại thì đáng lắm chứ! Người khôn biết kiếm tiền, biết tiêu tiền. Làm chủ đồng tiền, đùng làm tôi tớ cho nó.

"Quãng đời còn lại càng ngắn ngủi thì càng phải làm cho nó phong phú". Người già phải thay đổi cũ kỹ đi, hãy chia tay với "ông sư khổ hạnh" hãy làm "con chim bay lượn". Cần ăn thì ăn, cần mặc thì mặc, cần chơi thì chơi, luôn luôn nâng cao phẩm chất cuộc sống, hưởng thụ những thành quả công nghệ cao, đó mới là ý nghĩa sống của TUỔI GIÀ.

Tiền bạc rồi sẽ là của con, địa vị là tạm thời, vẻ vang là quá khứ, sức khoẻ là của mình…Cha mẹ yêu con là vô hạn; con yêu cha mẹ là có hạn. Con ốm cha mẹ buồn lo; cha mẹ ốm con nhòm một cái, hỏi vài câu là thấy đủ rồi. Con tiêu tiền của cha mẹ thoải mái; cha mẹ tiêu tiền của con chẳng dễ chút nào. Nhà cha mẹ là nhà của con; nhà của con không phải là nhà cha mẹ. Khác nhau là thế, người hiểu đời coi việc lo liệu cho con là nghĩa vụ, là niềm vui, không mong báo đáp. Chờ báo đáp là tự làm khổ mình.

Ốm đau trông cậy vào ai ? Trông cậy con ư ? Nếu ốm dai dẳng có đứa con có hiếu nào ở bên giường đâu "cứu bệnh sàng tiền vô hiếu tử". Trông vào bạn đời ư ? Người ta cũng yếu, có khi lo cho bản thân còn chưa xong, có muốn đỡ đần cũng không làm nổi. Trông cậy vào đồng tiền ư ? chỉ còn cách đấy...

Cái được người ta chẳng hay để ý; cái không được thì nghĩ nó to lắm, nó đẹp lắm. Thực ra sự sung sướng và hạnh phúc trong đời tuỳ thuộc vào sự thưởng thức nó ra sao. Người ta hiểu đời rất quý trọng và biết thưởng thức những gì cho mình đã có, và không ngừng phát hiện thêm ý nghĩa của nó, làm cho cuộc sống vui hơn, giàu ý nghĩa hơn.

Cần có tấm lòng rộng mở, yêu cuộc sống và thưởng thức cuộc sống, trông lên chẳng bằng ai, trông xuống chẳng ai bằng mình "Tỷ thượng bất túc, tỷ hạ hữu dư", biết đủ thì lúc nào cũng vui "tri túc thường lạc".

Tập cho mình nhiều đam mê, vui với chúng không biết mệt mỏi, tự tìm niềm vui. Tốt bụng với mọi người, vui vì làm việc thiện, lấy việc giúp người làm niềm vui.
Con người ta vốn chẳng phân biệt giàu nghèo sang hèn, tận tâm vì công việc là coi như cống hiến, có thểyên lòng, không hổ thẹn với lương tâm là được. Huống hồ người ta cũng nghĩ cả rồi, ai cũng thế cả, cuối cùng là trở về với tự nhiên. Thực ra nghề cao chẳng bằng tuổi thọ cao, tuổi thọ cao chẳng bằng niềm vui thanh cao.

Quá nửa đời dành khá nhiều cho sự nghiệp, cho gia đình, cho con cái, bây giờ thời gian còn lại chẳng bao nhiêu nên dành cho mình, quan tâm bản thân, sống thế nào cho vui thì sống, việc gì muốn làm thì làm, ai nói sao mặc kệ vì mình đâu phải sống để người khác thích hay không thích, nên sống thật với mình.

Sống trên đời không thể vạn sự như ý, có khiếm khuyết là lẽ thường tình ở đời, nếu cứ chăm chăm cầu toàn thì sẽ bị cái cầu toàn làm khổ sở. Chẳng thà thản nhiên đối mặt với hiện thực, thế nào cũng xong.

Tuổi già tâm không già, thế là già mà không già; tuổi không già tâm già, thế là không già lại thành già. Nhưng giải quyết một vấn đề thì nên nghe già.
Sống phải năng hoạt động nhưng đừng quá mức, ăn uống quá thanh đạm thì khôhg đủ chất bổ, quá nhiều thịt cá thì không hấp thụ được. Quá nhàn rỗi thì buồn tẻ, quá ồn ào thì khó chịu... mọi thứ đều nên "VỪA PHẢI".

Người ngu gây bệnh (hút thuốc, say rượu, tham ăn, tham uống...) Người dốt chờ bệnh (ốm đau mới đi khám chữa bệnh...) . Người khôn phòng bệnh, chăm sóc bản thân, chăm sóc cuộc sống. Khát mới uống, đói mới ăn, mệt mới nghỉ, thèm ngủ mới ngủ, ốm mới chữa bệnh....ĐỀU LÀ MUỘN.

Phẩm chất sống người già cao hay thấp chủ yếu tuỳ thuộc vào cách suy tưởng : Suy tưởng hướng lợi là bất cứ việc gì đều xét theo yếu tố có lợi, dùng suy tưởng hướng lợi để xây dựng cuộc sống tuổi già sẽ làm cho tuổi già đầy sức sống và tự tin, cuộc sống có hương, có vị. Suy tưởng hướng hại là suy tưởng tiêu cực, sống qua ngày với tâm lý bi quan, sống như vậy sẽ chóng già chóng chết.

"Chơi " là một trong những nhu cầu căn bản của tuổi già, hãy dùng trái tim con trẻ để tìm cho mình một trò chơi yêu thích nhất, trong khi chơi hãy thử nghiệm niềm vui chiến thắng, thua không cay, chơi là đùa. Về tâm lý và sinh lý, người già cũng cần kích thích và hưng phấn để tạo ra một tuần hoàn lành mạnh.

"Hoàn toàn khoẻ mạnh" đó là nói thân thể khoẻ mạnh, tâm lý khoẻ mạnh và đạo đức khoẻ mạnh.. Tâm lý khoẻ mạnh là biết chịu đựng, biết tự chủ, biết giao tiếp; Đạo đức khoẻ mạnh là có tình yêu thương, sẵn lòng giúp người, có lòng khoan dung, người chăm làm điều thiện sẽ sống lâu...

Con người là con người xã hội, không thể sống biệt lập, bưng tai bịt mắt, nên chủ động tham gia hoạt động công ích, hoàn thiện bản thân trong xã hội, thể hiện giá trị của mình đó là cách sống lành mạnh. "Cuộc sống tuổi già nên có nhiều bạn gìà trong nhiều thành phần, nhiều mẫu người với nhiều màu sắc khác nhau trong xã hội. Có một hai bạn tốt thì chưa đủ, nên có cả một nhóm bạn già, tình đẹp làm thêm cuộc sống tuổi già, làm cho cuộc sống của bạn nhiều hương vị, nhiều màu sắc.

Con người ta chịu đựng, hoà giải và xua tan nỗi đau đều chỉ có thể dựa vào chính mình. Thời gian là vị thầy thuốc giỏi nhất, quan trọng là khi đau buồn bạn chọn cách sống như thế nào.

Tại sao khi về già người ta hay hoài cổ "hay nhớ lại chuyện xưa?" Đến những năm cuối đời, người ta đã đi đến cuối con đường sự nghiệp, vinh quang xưa kia đã trở thành mây khói xa vời, đã đứng ở sân ga cuối. Tâm linh cần trong phòng, tinh thần cần thăng hoa, người ta muốn tìm lại những tình cảm chân thành. Về lại chốn xưa, gặp lại người thân, cùng nhắc lại những ước mơ thủa nhỏ, cùng bạn sống. Quý trọng và được đắm mình trong những tình cảm chân thanh là một niềm vui lớn của tuổi già.
Nếu bạn đã cố hết sức, mà vẫn không thay đổi tình trạng không hài lòng thì mặc kệ nó. Đó cũng là một sự giải thoát. Chẳng việc gì cố mà được, quả ngắt vội không bao giờ ngọt.

"SINH - LÃO - BỆNH - TỬ" là quy luật ở đời, không chống lại được. Khi thần chết gọi thì thanh thản mà đi. Cốt sao sống ngay thẳng không hổ thẹn với lương tâm và cuối cùng đặt cho mình dấu chấm hết thật TRÒN.